Thiếu gia giang hồ đấu trí với cảnh sát hình sự đất Cảng

Ngày đăng 17/02/2016 02:11

Nhiều cảnh sát hình sự có chung nhận định: Giang hồ cộm cán phần lớn là những người có tư duy nhanh nhạy, sử dụng chất xám để đi đối phó công an, còn dạng “ong ve nhãi nhép” mới hở tí là động tay, động chân.

Năm 1998, Hải Phòng xảy ra vụ án chấn động: Xe vận chuyển 92.000 USD ra sân bay Cát Bi để gửi vào TP HCM đã bị một nhóm người chặn đường cướp gọn. Nhóm cướp rất chuyên nghiệp, các dấu vết hiện trường mơ hồ…

“Lúc ấy tôi vừa nhận nhiệm vụ đội trưởng Đội án tuyến Phòng Cảnh sát hình sự (PC14 cũ), vụ cướp như một thách thức lớn cho đội án tuyến”, đại tá Lê Hồng Thắng (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Hải Phòng) nói.

Theo ông Thắng, cả đội án tuyến của ông làm việc hơn một tháng trời, thu thập, lập hơn 400 trang hồ sơ, xác định Nguyễn Minh Hiển (Hiển “Tằng”) là người chủ mưu vụ cướp. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng từ chối lệnh bắt vì cho là không đủ chứng cứ.

Theo hồ sơ, Hiển “Tằng” sinh ra trong gia đình có điều kiện về vật chất. Hiển vốn thông minh, nhanh nhạy, biết cách kiếm tiền ngay từ nhỏ. Hiển nổi tiếng lì lợm, biết điều khiển, sử dụng tiền để đạt mục đích. “Anh ta có đủ tố chất của dân anh chị máu lạnh của giới giang hồ, vừa thông minh vừa có điều kiện kinh tế nên nhanh chóng quy tụ rất nhiều đàn em”, một cảnh sát hình sự Hải Phòng cho hay.

Thời điểm công an đưa Hiển “Tằng” vào tầm ngắm cũng là lúc người nhà sắp xếp cho anh ta sang Mỹ theo diện đoàn tụ. “Thời gian rất cấp bách, anh em nóng ruột nhìn thủ phạm nhởn nhơ. Khi còn 10 ngày Hiển sẽ lên máy bay thì anh ta đánh một ông cụ ở Hải An nên chúng tôi có cớ bắt nghi phạm”, ông Thắng kể.

thieu-gia-giang-ho-dau-tri-voi-canh-sat-hinh-su-dat-cang

Cảnh sát hình sự Hải Phòng họp trước giờ đi làm nhiệm vụ. Ảnh: VTV

Theo ông Thắng, ngay khi có điểm sáng này, một mặt ông cử trinh sát đi các nơi thu thập tư liệu và đồng phạm, còn ông trực tiếp đi bắt Hiển. “Hoàn cảnh trớ trêu là khi tôi lên máy bay ở sân bay Cát Bi vào TP HCM bắt anh ta về tội đe dọa giết người thì cũng là lúc Hiển lên máy bay từ TP HCM ra Bắc”, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Hải Phòng nhớ lại.

Tuy nhiên, khi nghi phạm vừa xuống sân bay, các trinh sát đưa ngay về trụ sở làm việc và trong 6 ngày sau đó, công an không khai thác được gì từ nghi phạm. Cùng lúc công hàm của Đại sứ quán Mỹ hối thúc Bộ Ngoại giao Việt Nam về trường hợp xuất cảnh của Hiển nên Bộ Ngoại giao yêu cầu Công an Hải Phòng khẩn trương đưa ra kết luận điều tra khiến áp lực càng tăng. “Hiển điềm tĩnh, ung dung đợi ngày bay như không có chuyện gì”, ông Thắng nói.

Tạm giữ Hiển đến ngày thứ 7 thì cơ quan cảnh sát điều tra bắt được Khánh “Lý”, nghi là đồng phạm của Hiển trong vụ cướp. Công an khai thác nhanh người này và biết rằng Khánh “Lý” sẽ là hình nhân thế mạng cho Hiển “Tằng”.

Đại tá Thắng tâm sự: “Chỉ còn hai ngày để bắt hoặc thả Hiển “Tằng”, trong khi anh em xác định chính xác anh ta là kẻ chủ mưu cướp 92.000 USD nhưng không làm gì được. Những ngày đó tôi hầu như không ngủ. Tôi chưa bao giờ phải khóc nhưng ở vụ này tôi đã phải khóc vì tôi sợ. Tôi sợ mình không đủ năng lực, thua trí gã giang hồ. Tôi khóc với câu hỏi: “Chẳng lẽ những người đại diện cho lẽ phải, cho cái tốt phải thua cuộc trước cái ác, cái xấu?”...

Theo ông Thắng, giang hồ “chất” Hải Phòng tuân thủ tuyệt đối “luật im lặng” nên công tác điều tra phá án rất khó khăn. Vụ Hiển “Tằng” cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, từ lời khai của các đồng phạm và các chứng cứ khác, công an đã buộc Hiển “Tằng” cúi đầu nhận tội.

“Đến thời hạn cuối cùng, Công an Hải Phòng có trả lời chính thức cho Bộ Ngoại giao về trường hợp của Hiển, rằng anh ta là bị can của vụ cướp, đang bị điều tra, lúc đó anh em mới thở phào nhẹ nhõm…”, ông Thắng kể.

Theo Pháp luật TP HCM